Con dao hai lưỡi của Quỷ Đỏ
Tính nhị nguyên chi phối cuộc sống mạnh mẽ. Sáng và tối là 2 bộ mặt của thần thời gian. Tuyệt vọng và hy vọng là trạng thái thường trực của con người. Dũng cảm và ngây dại là đặc tính của tuổi trẻ. Và đó đều là 2 cạnh của con dao cực kỳ sắc bén mà HLV Ole Gunnar Solskjaer đang tung tẩy trên tay. Có thể ông sẽ vung dao khai sơn phá thạch để sáng nghiệp tại Old Trafford. Hoặc sẽ bị chặt đứt cả hai tay.

Sự thành bại, thăng trầm của những đội bóng lớn là điều luôn xảy ra. Có thể, chúng ta được chứng kiến một thế hệ Dream Team của Barcelona được hình thành trong thập niên 2000, và chứng kiến sự thành công liên tiếp của đội bóng đó, cho dù HLV là ai. Nhưng chúng ta cũng nhìn tận mắt sự sụp đổ của một quyền lực sau khi thay tướng.

Man United là ví dụ tương phản của Barcelona. Sau khi Sir Alex rửa tay gác kiếm, quy ẩn giang hồ, Man United lập tức lao đao cho dù ghế của bậc nguyên nhung được thừa kế bởi “Người Được Chọn”, “Người Hà Lan Bay”, “Người Đặc Biệt”.

Man United lập tức bị thách thức và vũ nhục trên mọi mặt trận, hoàn toàn khác Barca vẫn duy trì được sức mạnh bạt núi của mình cho dù là dưới thời HLV Frank Rijkaard, Pep Guardiola, Tito Vilanova.... Cả hai trường hợp này, đều không có gì lạ.

Ole Gunnar Solskjaer đã xuất hiện tại Old Trafford trong bối cảnh như thế: tan hoang, đầy những nghi hoặc và dự cảm bất an về tương lai. Trong tay ông chỉ là những kẻ non tơ, chưa am hiểu mùi đời. Và những ông già cựu binh đã ở bên kia sườn dốc.

7 trận ở Premier League mùa này, Man United của Solsa có được 9 điểm. Lại một thành tích kém cỏi nhất của Quỷ đỏ trong kỷ nguyên Premier League. Ngoài 2 trận thắng, còn lại toàn bại và hoà. Hàng công chỉ đem lại những trò cười trong khi lối đá của M.U cũng có tác dụng giải trí tuyệt vời cho... anti fan.

Thế nhưng, Solsa đã quyết định xây dựng lại Old Trafford bằng những viên gạch chưa qua công đoạn nung chịu lửa. Sau một kỳ chuyển nhượng đầy kỳ lạ, tống cổ Romelu Lukaku và Alexis Sanchez khỏi đội hình, mua về những gương mặt trẻ trung, giao trọng trách tiên phong cho những chân sút tự đào tạo. Có vẻ như Solsa đã đào xong huyệt mộ cho sự nghiệp của mình, hoặc âm thầm bày một thế trận lớn.

Cũng giống như Hàn Tín khi xưa với 4 vạn nhân mã phải đối đầu với 10 vạn quân giáp sĩ của nước Triệu ở Tỉnh Hình. Hàn Tín đã bày trận theo thế Bối Thuỷ (dựa lưng vào sông), một thế trận chết theo đánh giá của đại tướng Trần Dư của Triệu.

Nhưng như để tăng thêm độ khó của game, Hàn Tín còn ra lệnh cho quân đập hết đồ quân nhu, bếp núc, hậu cần trước khi trận đánh diễn ra. Và 4 vạn quân của Hàn Tín đã đánh bại đối thủ đông gấp 2,5 lần mình. Đó chính là trận Tỉnh Hình nổi tiếng, đem đến danh tiếng lừng lẫy cho Hàn Tín.

Và bằng việc sa thải những chân sút thượng hạng, sử dụng cầu thủ trẻ, đẩy mình vào nghịch cảnh tột độ, phải chăng Solsa cũng đang bày trận Tỉnh Hình của riêng ông?

 

Những cầu thủ trẻ, hay đúng hơn là một thế hệ cầu thủ trẻ, luôn là nguồn cảm hứng và nền tảng vững vàng cho một đế chế. Ajax có thế hệ Cruyff, Bayern có thế hệ Beckenbauer, Real có thế hệ Ye-Ye, La Quinta del Buitre, Barca có thế hệ Messi, hay mùa trước Ajax có thế hệ De Ligt, De Jong tiến vào tới bán kết Champions League.v.v...

Và có lẽ M.U là một trong những đội bóng chứa đựng nhiều bản hùng ca về các tài năng trẻ nhất. Trong đó có hai thế hệ đã tạo nên bao chiến công hiển hách mà người hâm mộ thuộc lòng từng cái tên. Thứ nhất là “Những đứa trẻ của Busby” (Busby Babe), thứ hai là “Những chú chim non của Fergie” (Fergie's Fledglings).

Lứa chim non thành công nhất của Fergie chính là Thế hệ 1992 (The Class of 92), là những cầu thủ đã giành chức vô địch FA Youth Cup 1992, bao gồm David Beckham, Nicky Butt, Ryan Giggs và Gary Neville. Paul Scholes và Phil Neville không tham dự giải đấu này nhưng cũng được xem cùng thế hệ.

Chính lứa cầu thủ tài năng và “quyến rũ” từ trong ra ngoài sân cỏ này đã đưa M.U trở thành thế lực thống trị tuyệt đối tại Ngoại hạng Anh và vươn mình trở thành thương hiệu mê đắm hàng triệu triệu người hâm mộ trên toàn thế giới. Đó là nền tảng để M.U vượt qua Liverpool thành đội bóng giàu thách tích nhất lịch sử bóng đá Anh (mới bị Liverpool đòi lại sau trận Siêu cúp châu Âu mùa này), hàng năm kiếm được hàng trăm hợp đồng quảng cáo béo bở sau này.

Bi tráng hơn là câu chuyện của “Những đứa trẻ của Busby”. 8 trong số thế hệ cầu thủ tài năng ấy đã chết sau thảm họa máy bay Munich. Những đứa trẻ của Busby sống sót thần kỳ là hậu vệ Bill Foulkes, hai cầu thủ chạy cánh Kenny Morgans và Albert Scanlon, tiền đạo Dennis Viollet, tiền vệ Wilf McGuinness, tiền đạo John Doherty và Colin Webster và đặc biệt là Bobby Charlton.

Sau đó, chính những tài năng còn lại cùng HLV Busby đã đưa M.U trở thành đội bóng Anh quốc đầu tiên vô địch C1 ở mùa 1967/68. Đó là một trong những câu chuyện vượt qua nghịch cảnh và truyền cảm hứng đáng nhớ nhất trong xuyên suốt lịch sử bóng đá thế giới.

Một đêm thượng tuần tháng 3 vừa qua tại Paris hoa lệ, ký ức hào hùng về Busby Babe và The Class of 92 dội về vang vọng trên sân Công viên các Hoàng tử, khi M.U tạo nên cú lội ngược dòng thần kỳ với chiến thắng 3-1 trước gã trọc phú PSG để giành vé vào tứ kết Champions League.

“Những đứa trẻ của Solsa”, một biệt danh đầy cảm hứng từ lịch sử được đặt, vừa để so sánh lứa cầu thủ trẻ hiện tại, vừa để so sánh HLV hiện tại với những huyền thoại trong quá khứ. Quả thực, có những sự trùng hợp nhất định khi sự xuất hiện của Solskjaer, một huyền thoại của Old Trafford thay cho Mourinho ở giai đoạn hai mùa trước lập tức khiến M.U lột xác thăng hoa.

Và trong đội hình Quỷ đỏ, có sự hiện diện của rất nhiều cầu thủ trưởng thành từ chính Học viện đào tạo trẻ của đội bóng. Nổi bật như Scott McTominay, Andreas Pereira, Marcus Rashford, Tahith Chong, James Garner, Angel Gomes, Mason Greenwood và Brandon Williams.

 

Lịch sử tuy phát triển hình xoắn ốc, với sự lặp lại của quá khứ trong hiện tại là như vậy, song những đường xoáy không phải lúc nào cũng giống nhau. Thực tế dùng người trẻ luôn là cách chơi dao hai lưỡi. Vì khi người ta trẻ, người ta có thể đi tới bến bờ cảm xúc tột cùng trong tích tắc, theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực.

Sau đêm huyền diệu tại Paris, M.U đã quyết định “chơi dao” bằng việc ký hợp đồng dài hạn với Solsa, một nhà cầm quân non trẻ và chưa hề có kinh nghiệm dẫn dắt các đội bóng hàng đầu cũng như hoạch định các tài năng trẻ làm nòng cốt. Alexis Sanchez, Romelu Lukaku bị đẩy đi, Matic hay Mata trở thành kép phụ, sân diễn bây giờ thuộc về “Những đứa trẻ của Solsa”.

Kết quả, Quỷ đỏ “đứt tay” ở mức độ trầm trọng. Sau 7 vòng đấu tại Ngoại hạng Anh 2019/20, M.U đang đứng tận vị trí thứ 10 trên bảng xếp hạng với vỏn vẹn 9 điểm, trải qua khởi đầu tệ nhất kể từ mùa 1989/90. Đi sâu vào mặt chuyên môn, như Mourinho đã bình luận rằng, thực tế, Solskjaer cải lùi chứ không hề cải tiến M.U sau khi kế nhiệm ông.

Sẽ có quan điểm cho rằng Người Đặc Biệt cay cú, nhưng đó là quan điểm sai lầm. Trên hết, Mourinho là một con người chuyên nghiệp và ông làm công việc phân tích với tư cách là một chuyên gia hàng đầu. Mourinho sẵn sàng dùng thủ đoạn để thu về kết quả tốt nhất cho đội bóng nhưng ông không hề là kẻ tư thù cá nhân. Đó là điều cần khẳng định.

Trở lại với M.U, lối chơi của thầy trò HLV Solsa từ đầu mùa chỉ thể hiện sự vô hồn. Quỷ đỏ vẫn chỉ thiết lập thế trận phòng ngự và chờ cơ hội phản công thay vì áp đặt lối chơi. Mà thực tế, khi được trao cho trái bóng, M.U cũng chẳng biết định hướng lối chơi như thế nào. Hệ quả là họ trông chờ vào sự tỏa sáng của các cá nhân. Khi thì Rashford, khi thì Daniel James và khi thì Pogba.

Dĩ nhiên, những cái tên vừa nêu cũng chẳng có phong độ ổn định và lột trần vấn đề lớn nhất của Quỷ đỏ, đó là thiếu một tay săn bàn thượng thặng và những bài vở lớp lang để đưa bóng vào lưới đối phương. Solsa bất lực. Vì Rashford phập phù, 16 trận gần nhất chỉ ghi 1 bàn từ bóng sống. Vì Martial chấn thương liên miên. Và vì Greenwood còn quá trẻ, dù rất triển vọng với việc ghi 2 bàn trong 6 trận gần nhất.

Cần nhấn mạnh, với tên tuổi và tham vọng của M.U, đối thủ của họ là những đội bóng hàng đầu, với những ngôi sao hàng đầu và một HLV lão luyện. Man City hay Liverpool là ví dụ. Thế nhưng M.U lại đối chọi với những thế lực ấy bằng sự bồng bột của tuổi trẻ. Đó là vấn đề của cầu thủ hay HLV mà là sai lầm từ thượng tầng. Mà đã sai từ trên thì rất khó sửa!

 

Nhưng những khủng hoảng nối tiếp khủng hoảng, sai lầm nối tiếp sai lầm của Man United đâu đã đẩy họ vào cảnh giới tồi tệ nhất. Ở đời này, không có khổ nhất, chỉ có khổ hơn. Ai cũng từng có lúc nghĩ mình đã ở tận cùng nỗi đau, nhưng rồi bất chợt nhìn sang người khác và thấy bản thân vẫn thật may mắn. Fan của M.U nghĩ mình thê thảm? Hãy nhìn sang tình cảnh của Chelsea. Thử hỏi, nếu rơi vào hoản cảnh ngặt nghèo như đội bóng ở London, M.U sẽ còn trôi về đâu nữa. Nên nhớ, Chelsea mới là đội gần hơn vô địch Ngoại hạng Anh, họ không than thân trách phận thì thôi, M.U chưa đủ tư cách.

Tại sao lại lấy Chelsea ra làm ví dụ ở đây? Đơn giản, hai đội bóng này đang có rất nhiều điểm chung. Một tập thể non trẻ, một HLV chân ướt chân ráo, một sức ép thành tích trong bối cảnh đang tái thiết từ khó khăn. Giống như M.U, dù với bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, Chelsea đang buộc phải dựa vào những cầu thủ trẻ tự đào tạo: Những đốm xanh nhạt của Frank Lampard.

Ở màn kiểm chứng đầu tiên, bọn trẻ của Lampard đã thua tan nát trước đám trẻ của Ole Gunnar Solskjaer. Trong trận đấu khởi đầu mùa giải mới, M.U đã ghi tới 4 bàn vào lưới Chelsea. Đó là lúc đội hình xuất phát của Chelsea với những gương mặt lạ lẫm như Tammy Abraham và Mason Mount bị chỉ trích nặng nề.

Người cũ Jose Mourinho không nể nang, nói Lampard chẳng hề "biết mình biết người" khi dẫn một đám trẻ con đến Old Trafford.

Theo thời gian, giờ Chelsea còn chơi tốt hơn M.U với trụ cột chính là những kẻ bị chỉ trích ngày trước. Ngoài Abraham và Mount, giờ Lampard đang sống vui sống khỏe với thêm những "mầm non" tự trồng như Fikayo Tomori, Reece James, Billy Gilmour, Callum Hudson-Odoi, chưa kể một Christian Pulisic đầy tiềm năng được mang về từ Dortmund. Trong số này, không ai quá 21 tuổi.

Nhưng bên Man United cũng đâu kém cạnh gì. Marcus Rashford mới 21 tuổi nhưng đã được xem là đàn anh của một dàn "thần đồng" như Angel Gomes, Mason Greenwood, Tahith Chong, James Garner, Axel Tuanzebe hay thậm chí cả Scott McTomninay. Đấy mới là những người tự đào tạo, còn số mua về có thêm Daniel James, Aaron Wan-Bissaka và Diogo Dalot.

Nhìn vào danh sách này rồi hỏi tương lai của M.U có sáng không, dám chắc nhiều người sẽ nói có. Nhưng tương lai phụ thuộc vào hiện tại và hiện tại của M.U thì không hứa hẹn một ngày sau thành công. Nếu M.U thi đấu tệ, không giành được danh hiệu đã đành, còn mất suất tham dự cúp châu Âu thì chắc chắn sẽ lại là những mùa Hè tấp nập kẻ đến người đi. Khi mà dàn lính đánh thuê đổ bộ, liệu có còn chỗ cho những "mầm non" này?

Solskjaer hiện tại đã rơi vào thế đường cùng. Ông đã dám cùng với Lampard, chơi một canh bạc lớn khi đặt vận mệnh một đội bóng khổng lồ lên vai những đứa trẻ. Vào lúc này, không thể quay đầu được nữa, chỉ có đi tiếp thôi, dù chẳng biết đi về đâu.

Nhưng chính những lúc ở sát bờ vực, kỳ tích mới có thể xuất hiện. Bóng đá cũng giống như cuộc đời, khi bị dồn vào nghịch cảnh, khi phải bày trận dựa lưng vào sông, không còn đường thoát, thì người ta bỗng nhiên con người ta làm được những điều phi thường để tạo nên sự bật nhảy phi thường.

Chính vì thế, ngay ở nghịch cảnh này, người hâm mộ của Man United đang mong chờ Solskjaer tạo đột biến, hệt như cách họ hy vọng mỗi lần ông đứng ngoài đường piste chuẩn bị vào sân thay người hàng chục năm trước.

Lampard đã khởi đầu chậm hơn nhưng đang đi trước Solskjaer, đó là sự thần kỳ của cầu thủ trẻ và chiến lược gia người Na Uy hoàn toàn có thể trông chờ điều tương tự đến với mình. Lợi thế của Solskjaer là rất rõ ràng, một người am hiểu M.U, nắm rõ bản sắc của CLB và được lòng CĐV. Không HLV nào có thể đề xuất kế hoạch tái thiết M.U bằng tài năng trẻ tốt hơn Solskjaer lúc này. Ông rất có tâm, chỉ chờ cái tầm thôi và điều đó có thể mài giũa theo năm tháng.

Một điều thuận lợi khác với Solskjaer là M.U vẫn còn có... rất nhiều tiền. Trong thời buổi CLB bóng đá là một doanh nghiệp kinh tế, vấn đề này không thể xem nhẹ, có khi còn đứng đầu danh sách ưu tiên. Tiền không phải tất cả nhưng với doanh thu hơn 600 triệu bảng trong một năm tài khóa vừa lập kỷ lục, Quỷ đỏ vẫn là một gã khổng lồ theo một góc nhìn nào đó.

Việc M.U có tiền thì liên quan gì ở đây? Câu trả lời là tiền sẽ mua thêm sự kiên nhẫn. Của ai? Người hâm mộ chăng? Không! Là của giới chủ sở hữu CLB, những người vừa hể hả với mức doanh thu hơn 600 triệu bảng của năm tài khoá vừa qua. OK, cứ sinh lời mạnh mẽ vào, thì thành tích hiện tại không phải là vấn đề.

Mà chính CEO Ed Woodward cũng vừa khẳng định rằng, chuyện Quỷ đỏ thi đấu sa sút không ảnh hưởng đến tình hình làm ăn của CLB còn gì. Thế nên, tất cả đều từng đồng ý rằng, chính câu chuyện của Sir Alex Ferguson đang được tái hiện chính xác ở cậu học trò Solsa.

Bởi ở thời điểm được mời dẫn dắt M.U, "Máy sấy tóc" cũng phải mất tới 4 năm để có được danh hiệu đầu tiên, và đó mới chỉ là cúp bạc FA Cup. Nhưng phần thưởng cho sự kiên nhẫn của giới chủ đó là hàng loạt danh hiệu là vị thế khổng lồ hiện nay của CLB.

Sir Alex cần 4 năm chạy đà mới có thể bứt tốc, vậy nên cũng cần trao cho Solskjaer một niềm tin, sự kiên nhẫn và quỹ thời gian tương tự. Khi mà "doanh nghiệp" M.U vẫn kinh doanh thắng lợi, Solskjaer sẽ được hưởng môt ngoại lệ khác với những gì đã xảy ra với David Moyes, Louis van Gaal hay Jose Mourinho.

Đến giờ, chắc chắn M.U cũng nhận thấy sự thật rằng, thay đổi HLV liên tục không phải phương thức chữa bệnh đúng đắn mà nó chỉ xoa dịu nỗi đau như một liều morphin mà thôi. Thế nên, cách đúng đắn là hãy để một HLV có đủ thời gian thực hiện cuộc cách mạng của mình.

Do đó, thứ mà Solskjaer luôn đòi hỏi và mong chờ tột bậc là thời gian. Vào lúc này, giới chủ và người hâm mộ vẫn có thể cung cấp. Bằng bất kỳ giá nào, Solskjaer phải vượt qua được giai đoạn thử thách này với cái lõi là những chàng trai trẻ của mình. M.U đã từng thành công với Busby Babes, Ferguson Babes thì đâu có lý gì không thể trông chờ vào Solskjaer Babes.

 
Thực hiện

Nội dung: Hải An - Ngọc Trung - Trần Lộc

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

x