Bóng đá Malaysia đã và đang trải qua một “cuộc cách mạng” nhập tịch. Công thức “9+1” hoặc “8+2”, tức phần lớn cầu thủ nhập tịch cộng với một vài cầu thủ bản địa thực sự đã tạo ra những thành công tức thì. Minh chứng là đội bóng của HLV Peter Cklamovski đang đứng trước cơ hội giành vé tham dự VCK Asian Cup 2027 sau khi vượt qua Việt Nam với tỉ số 4-0.
Theo đuổi chính sách nhập tịch đã tạo ra những tranh cãi lớn, khi một số ý kiến cho rằng điều này sẽ dập tắt hy vọng của các cầu thủ bản địa. Và các cầu thủ trẻ chẳng có gì để phấn đấu, bởi “trình” của họ giỏi lắm cũng chỉ đủ khoác áo U23. Đúng là thành công của ĐT Malaysia không kéo theo sự tiến bộ hay thành công vượt bậc của đội tuyển U23 của họ. U23 Malaysia đã bị “rơi đài” ngay từ vòng bảng, và đó là cú sốc cực lớn đối với những người làm bóng đá xứ Mã và tranh cãi tiếp tục nổ ra. Giải M-League đang tính đến việc bắt buộc các CLB phải dành “đất diễn” cho cầu thủ trẻ, cùng nhiều phương án khác nhằm cứu bóng đá Malaysia khỏi tình trạng “đứt gãy chuỗi cung ứng” nhân lực cho ĐTQG.
Một câu chuyện tương tự cũng đang diễn ra với U23 Indonesia, nhưng có vẻ như ở xứ Vạn đảo, người ta bắt đầu chấp nhận sự hiện diện của đa số cầu thủ nhập tịch trong đội hình ĐTQG. Thành công của bóng đá Indonesia sẽ cần thời gian để kiểm chứng. Trước mắt, họ sẽ bước vào trận chung kết với U23 Việt Nam, một đội bóng đã chọn lối đi riêng thay vì chạy theo trào lưu nhập tịch ồ ạt. Trong tay HLV Kim Sang Sik là những cầu thủ có thể hình tốt, kinh nghiệm thi đấu dày dạn và đủ bản lĩnh để tạo nên những chương mới cho bóng đá Việt Nam. Quan trọng nhất, chúng ta không bị đứt gãy chuỗi nguồn nhân lực và có sự kế thừa một cách xứng đáng.
U23 Việt Nam đang hướng đến chức vô địch U23 Đông Nam Á lần thứ 3 liên tiếp. Các học trò của HLV Kim Sang Sik hội tụ đầy đủ những yếu tố để biến giấc mơ đó trở thành hiện thực. Nhưng vượt lên tất cả, bóng đá Việt Nam đã và đang nhìn thấy “màu hồng” từ một lứa cầu thủ không chỉ có thể hình lý tưởng mà còn đáp ứng được những tiêu chí về kỹ thuật và chiến thuật.