Từ thế hệ của ông, khi truyền hình bắt đầu phát triển, người ta mê mẩn dõi theo những đường đan bóng tuyệt đẹp và đầy ngẫu hứng của các danh thủ xứ Samba. Thế nhưng đừng dùng khái niệm “jogo bonito” khi đến Brazil mùa Hè này. Khi người Brazil nói về Pele, Garrincha, Zico, Romario, Ronaldo, Ronaldinho và Neymar, họ thích dùng một cụm từ khác: “futebol arte” - tức nghệ thuật bóng đá.
BÓNG ĐÁ CŨNG LÀ NGHỆ THUẬT
Nếu như điện ảnh là loại hình nghệ thuật thứ 7 thì ở Brazil, bóng đá chính là loại hình nghệ thuật thứ 8. Và suốt một thời gian rất dài, nghệ thuật và bóng đá đã song hành trong đời sống thường nhật tại Brazil. Một trong những đặc sản của Brazil chính là những bức ảnh graffiti, được vẽ với tất cả niềm say mê, một thứ nghệ thuật đường phố chính hiệu.
Graffiti là một lăng kính phản ảnh xã hội, vì thế không lạ khi đá số những bức tranh vẽ tường của Brazil lấy chủ đề là bóng đá. Đó có thể là một bức tranh vẽ thần tượng của mình, có thể ghi lại một pha bóng đẹp hoặc cũng có thể truyền đi một bức thông điệp xã hội lớn hơn, một lời thức tỉnh. Suốt mấy tháng nay, người ta chia sẽ bức graffiti đẹp và ấn tượng về một cậu bé, tuy gầy trơ xương nhưng trên chiếc đĩa trước mặt không phải là thức ăn mà là quả bóng.
Người Brazil dùng graffiti để gửi lời kêu gọi đến Chính phủ, như hàng loạt vụ biểu tình đã trở nên quen thuộc suốt 1 năm qua. Không phải là người Brazil không còn thích xem bóng đá nữa mà giờ họ muốn xem bóng đá trong cảnh sống no đủ, không phải âu lo về đời sống hàng ngày như mấy chục năm về trước.

Ở Brazil, những người vẽ đường phố tất nhiên rất nhiều. Thể loại vẽ chui, vẽ khi không được sự cho phép của Nhà nước hay chủ nhân bước tường tất nhiên rất nhiều. Họ không được đánh giá cao như nhóm “nghệ sĩ đích thực”, những cái tên như Os Gemeos, Eduardo Kobra và đặc biệt là Paulo Consetino.
ĐƯỜNG PHỐ NHƯNG KHÔNG DỄ DÃI
Khi Brazil tiến hành chuẩn bị cho World Cup, Consetino cũng bỏ ra khoảng 40 ngày để sơn phết khoảng 900 mét vuông tường ở sân bay Sao Paulo cho có không khí. Những bức tranh của anh ở khu vực này lấy cảm hứng từ những đội tuyển Brazil vô địch World Cup trong quá khứ: 1958, 1862, 1870, 1994 và 2002. Anh vẫn chừa lại một số bức tường, để dành cho... chức vô địch 2014.
“Tôi mất 4 tháng để vẽ và 6 tháng để xin phép từ Chính quyền” - Paulo Consetino nói - “Tôi cũng từng làm một bức tranh tương tự như thế tại Santos để lưu lại di sản của Pele. Từ ấy tôi nhận ra mình có thể làm được những việc lớn lao hơn nếu lên kế hoạch kỹ lưỡng. Brazil ngày càng cởi mở hơn với những nghệ sĩ đường phố và tất nhiên bóng đá là nguồn cảm hứng chủ đạo”.

Tranh vẽ tường không mang lại thu nhập cho nghệ sĩ, nhưng họ vẫn cảm thấy hạnh phúc khi được người dân đi qua và trầm trồ khen ngợi nó. Để thực hiện được những bức tranh nghệ thuật như thế, người nghệ sĩ không đơn thuần xách sơn xịt và và bắt đầu tô phết bức tường. Họ cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
Như Consetino chẳng hạn. Trong nửa năm xin giấy phép, anh cũng mày mò nghiên cứu lại những tài liệu lịch sử, kiếm những nguồn tư liệu báo chí hiếm quý khi lại hình ảnh của những cầu thủ huyền thoại ở những năm 1958, 1962. Khi vẽ Pele và các đồng đội của mùa World Cup 1970, màu vàng trên áo họ phải nhạt hơn cho đúng thực tế.
Những người tài trợ cho Consetino vẽ những bức tranh trên tường này đánh giá rất cao công sức anh bỏ ra. Họ còn yêu cầu anh vẽ 6 ngôi sao trên logo của ĐT Brazil, tượng trưng cho 6 lần vô địch thế giới. Nhưng anh biết quá rõ cái dớp “nói trước bước không qua” của kỳ World Cup 1950 nên nói với họ: “Vẫn còn thời gian mà”.

Cũng có nhiều bức graffiti trên tường ghi lại ký ức của năm 1950 ấy. Họ ghi lại để nhắc nhở về một nỗi buồn lớn của đất nước, cũng để thấy 1950 mãi mãi là thất bại lớn không thể gột rửa của bóng đá Brazil. Có người thì vẽ lại đội hình ra sân của 2 đội trong trận “chung kết” ngày ấy, cùng với các phóng viên, quan chức đang háo hức chờ ăn mừng. Có người thì vẽ 1950 như một con ma và Neymar đứng kề bên tặng cho nó một nụ hôn gió.
“Đấy chỉ là những sự khởi đầu” - Consetino nói - “World Cup sẽ thu hút nhiều hơn nữa những nghệ sĩ đường phố. Điều đó vừa tốt và cũng vừa xấu”. Khái niệm xấu ở đây ám chỉ những người đến với nghệ thuật vẽ tường với cái tâm không trong sáng. Họ lợi dụng nó để truyền đi những bức thông điệp kích động nào đó.

Tại giải vô địch Brazil, các fan cuồng của các CLB thường vẽ lên đường những nội dung miệt thi, đả kích nặng nề đội bóng đối địch. Họ muốn đối phương khi đến đây biết mình đang ở đâu. Những bức tranh ấy, hướng về nghệ thuật và cộng đồng thì ít mà thể hiện sự yêu thương CLB (tiêu cực) của mình thi nhiều.
“Tôn trọng graffiti là một đặc tính của người Brazil” - Minduca, một CĐV của Palmeiras và cũng là một nghệ sĩ đường phố, cho biết - “Ngay cả CĐV của một đội đối địch cũng không tấn công graffiti của đối thủ, cũng như chúng tôi tôn trọng graffiti của họ. Hầu hết người dân đều ghét bạo lực, việc tôn trọng graffiti của nhau cũng thể hiện điều đó”.
VINH QUANG SÂN CỎ LÀ NGUỒN CẢM HỨNG
Quan điểm này được chia sẻ bởi một trong những môn đồ của Constetino - Eduardo Kobra. Cách đây 1 năm, Kobra tái hiện lại 1 trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong lịch sử World Cup trên một bức tường cao 15 mét, dài 8 mét. Bức graffiti ghi lại pha ghi bàn của Falcao ở kỳ World Cup 1982 mà đội tuyển Brazil đã thất bại.

Kobra nói: “Không người Brazil nào có thể quên được pha ăn mừng bàn thắng của Falcao vào lưới Italia ngày ấy. Chúng tôi như thấy mạch máu chảy nơi cánh tay của ông ấy”. Và Kobra đã dùng kỹ thuật 3D để làm cho bức tranh thêm phần sống động. Anh nói: “Thất bại gây sốc ấy vẫn có sức sống của riêng nó. Còn hình ảnh ăn mừng của Falcao, niềm tự hào được khoác chiếc áo vàng là bất tử”.
Ở Lagarto, khu phố nhỏ với chưa đến 100.000 sinh sống, chủ đề tranh tường còn là Diego Costa, chân sút đã nhập tịch Tây Ban Nha và sẽ trở lại Brazil thi đấu tại World Cup 2014. Một nghệ sĩ địa phương đã trang trí lại căn nhà cũ của Costa với hình ảnh của chính ngôi sao này. Graffiti, trong chừng mực nào đó, cũng chính là sự vinh danh của công chúng dành cho một ngôi sao.

Romario từng là fan của nghệ thuật này và ông từng bị Zico và Mario Zagallo kiện ra tòa vì graffiti hình họ trên... toalét của một quán bar mà ông sở hữu. Carlos Alberto, HLV từng vô địch World Cup 1994, cũng là một nghệ sĩ graffiti. Ông nói: “Tôi theo trường phái im ắng hơn. Hy vọng đội tuyển có thể vô địch World Cup đế chúng tôi có thêm nguồn cảm hứng cho những bức vẽ mới”.
Dù thầy trò HLV Scolari kết thúc cuộc hành trình 2014 ở đâu, chắc chắn vẫn sẽ có những bức tường lưu giữ lại khoảnh khắc của họ trong mùa Hè này.