Đó không phải lời chê bai dành cho Lương Xuân Trường, người đeo băng đội trưởng của HAGL trong trận đấu chính thức đầu tiên tại V.League của Kiatisak Senamuang. Vấn đề ở chỗ, cách Kiatisak dùng Xuân Trường ở tuyến giữa của HAGL trong trận đấu ấy chưa thực sự phát huy được thế mạnh và giảm thiểu điểm yếu của tiền vệ này.
Hãy bắt đầu trở lại trận đấu giữa Sài Gòn và HAGL trên sân Thống Nhất. Sơ đồ 3-4-3 được Kiatisak lựa chọn cho HAGL với 3 trung vệ Hữu Tuấn, Văn Việt, Kim Dong Su (thòng) án ngữ phía trên thủ môn Tuấn Linh. Hai cầu thủ đá biên gồm Văn Thanh (thường xuyên chơi dâng cao bên cánh phải để thực hiện chồng biên với Văn Toàn) và Kiên Quyết (trái). Bộ ba tiền đạo gồm có Công Phượng, Tuấn Anh đá phía sau lưng trung phong Brandao. Hai tiền vệ trung tâm là Xuân Trường và Minh Vương. Trong đó, Xuân Trường thường lùi về gần hàng thủ để nhận bóng để tổ chức luân chuyển bóng cho các đồng đội (xa hoặc gần).
3-4-3 giờ trở thành một sơ đồ quen mặt, khi HLV Park Hang Seo thành công với U22 và ĐTQG Việt Nam. Người hâm mộ cũng nhìn ra được đâu là những khu vực then chốt ảnh hưởng đến thành bại của cả một tập thể. Đó là khu vực tiền vệ trung tâm và hai cầu thủ chạy cánh. Với hai cầu thủ chạy cánh (wingback), Kiatisak coi như chấp nhận bị tê liệt cánh trái. Kiên Quyết trong trận đấu đá thay Hồng Duy không tạo được điểm nhấn đủ lớn trong việc tham gia tấn công. Cách mà cầu thủ này di chuyển mang đến cảm giác thiếu tự tin và chắc chắn. Phải đến khi Kiatisak đưa Đức Lương vào thay cho Kiên Quyết ở phút 76, hành lang trái của HAGL mới tạo được sức ép mạnh mẽ hơn. Điển hình là hai pha dứt điểm liên tiếp có thể tạo ra cơ hội thành bàn của Đức Lương ở phút 81.
Cách thay người của Kiatisak dành cho cánh trái cho thấy hiệu quả. Nhưng đó chỉ là một trong hai vấn đề mà “Zico Thái” nhận ra và tìm phương án giải quyết, dù thời gian khi ấy của trận đấu không còn nhiều. Vấn đề thứ hai mà Kiatisak chỉnh sửa là việc đưa Việt Hưng vào thay Xuân Trường cũng ở phút 76, qua đó tạo ra sự thay đổi ở khu vực giữa sân. Như đã nói, bộ đôi tiền vệ trung tâm trong sơ đồ 3-4-3 là khu vực mong manh nhất. HLV Park Hang Seo đã mất tới hơn 1 năm trời để định hình một bô đôi tiền vệ đủ khiến mình yên lòng là Tuấn Anh và Hùng Dũng.
Nhưng Kiatisak mới chỉ có hơn 20 ngày làm việc trực tiếp với HAGL. Và phương án sử dụng những tiền vệ thiên về tấn công như Xuân Trường, Minh Vương khiến những nhược điểm trong năng lực phòng ngự ở khu vực này, đặc biệt khi họ phải tranh chấp với Văn Triền – tiền vệ trung tâm hàng đầu Việt Nam bên phía Sài Gòn FC, càng bị bộc lộ ra. Sự liên kết trong tấn công giữa Xuân Trường và Minh Vương là không nhiều.
Người ta phần lớn nhìn thấy những đường chuyền vượt tuyến nhằm vào phía sau lưng hàng thủ Sài Gòn FC dành cho Văn Thanh, Văn Toàn đến từ Xuân Trường hơn. Việc phải đá rất thấp, gần với các trung vệ khiến Xuân Trường ưu tiên lựa chọn những đường chuyền vượt tuyến để cố gắng tạo điều kiện tiếp cận khung thành nhanh nhất cho các đồng đội. Tuy nhiên, sự lựa chọn này không mang đến hiệu quả thực sự cho mặt trận tấn công của HAGL.
Sự khác biệt của HAGL bắt đầu ở phút 76, khi Kiatisak rút Xuân Trường và đưa Việt Hưng – một tiền vệ con thoi (box-to-box) tranh chấp tốt hơn và di chuyển linh hoạt hơn. HAGL chơi bóng ngắn rõ rệt hơn, tiếp cận cầu môn theo cách tổ chức từ trung lộ ra biên rồi thực hiện căng ngang đưa bóng vào trước vòng cấm theo cách thường thấy hơn. Ba tình huống có thể chuyển hoá thành bàn, đặc biệt là cú sút chân trái dội xà ngang của Việt Hưng là minh chứng cho thấy HAGL đã tìm thấy công thức phù hợp hơn cho mình.
Kiatisak vẫn nói rằng ông muốn cân bằng giữa tấn công và phòng ngự. Nhưng ông cũng chưa tìm được cách dung hoà trong việc dùng người, đặc biệt là hàng tiền vệ của bản thân. 18 phút cuối trận Sài Gòn – HAGL có thể sẽ cho Kiatisak một suy nghĩ khác, một cách nhìn nhận khác.