Tại V.League, việc thay “tướng” thường diễn ra vào giữa lượt đi, trong khoảng nghỉ giữa mùa hoặc đầu giai đoạn lượt về. Chẳng hạn như mùa này, SHB Đà Nẵng mời HLV Cristiano Roland sau vòng 9 thay cho Trương Việt Hoàng, nhưng ông thầy người Brazil cũng chỉ tại vị vài trận trước khi Lê Đức Tuấn, người vừa mất ghế ở Hà Nội FC (khi giai đoạn 1 kết thúc) vào tiếp quản. Ở Bình Dương, HLV Hoàng Anh Tuấn xin rút lui cũng sau vòng 9, còn Thanh Hóa thanh lý hợp đồng với HLV Popov sau 15 vòng đấu.
Không có một công thức, quy luật nào cho việc thay “tướng”. Đôi khi nó xuất phát từ thành tích kém và đôi khi từ mâu thuẫn giữa HLV và cầu thủ hay lãnh đạo CLB, bất kể kết quả thi đấu ra sao. Cho nên, quyết định thay HLV của Thể Công Viettel sau vòng 20 khiến nhiều người bất ngờ. Đội bóng vừa đánh bại SLNA và đang đứng thứ 3, hoàn toàn còn cơ hội cạnh tranh ngôi vô địch. Vậy mà HLV Đức Thắng vẫn phải nhường chỗ cho ông Popov, người phải rời Thanh Hóa trước đó không lâu.
Điều này khiến không ít người đặt dấu hỏi: phải chăng việc thay tướng đã được tính toán từ trước, bất kể thắng hay thua? Có thể, ban lãnh đạo tin rằng Popov sẽ mang đến một luồng sinh khí mới trong 6 vòng còn lại. Nhưng cũng không loại trừ khả năng Thể Công Viettel sẽ trượt dốc, đánh mất vị trí hiện tại. Nếu thành công, Popov sẽ khẳng định mình là người có tố chất cầm quân ở CLB lớn, và Thể Công Viettel sẽ chứng minh được sự tinh tường và tầm nhìn chiến lược. Còn nếu thất bại, nhà cầm quân người Bulgaria chẳng thiệt hại gì, trong khi Viettel sẽ phải đối mặt với những nghi vấn và áp lực dư luận.
Rõ ràng, 6 trận đấu cuối mùa sẽ là bài kiểm tra quan trọng không chỉ dành cho HLV Popov mà còn đối với niềm tin của lãnh đạo Thể Công Viettel trong một quyết định được cho là mạo hiểm, đặc biệt khi đội bóng đang cần sự ổn định. Việc thay đổi HLV theo cách “không giống ai” của Thể Công Viettel khiến nhiều người đặt dấu hỏi. Tuy nhiên, chính quyết định này cũng có thể mở ra một cách nhìn mới về việc thay “tướng” giữa mùa – đôi khi, mạo hiểm lại là cách để tạo nên đột phá.