“Tại sao mày không học giỏi như thằng A con ông B cho bố mẹ nở mày nở mặt?”, “Đẻ con phải như nhà bà X chứ, thi trường nào thủ khoa trường ấy, còn con mình thì…”. Những câu so sánh đó xuất hiện rất nhiều và phổ biến trong xã hội Việt Nam từ xưa đến giờ, như một truyền thống “tốt đẹp”.
Bởi tâm lý hơn thua, thành tích, danh dự đã khiến người ta thích so sánh con nhà này với con nhà khác, thế hệ này với thế hệ khác, nhiều khi chỉ để thỏa mãn cái tính sĩ diện hão. Nếu con nhà mình vượt trội thì kiêu hãnh ra mặt, đi đâu cũng khoe. Còn nếu con nhà mình kém cỏi thì mắng mỏ, chì chiết bấc chì.
Khó có thể thống kê được mỗi năm có bao nhiêu thanh thiếu niên Việt Nam từ nạn nhân của thói so sánh, dẫn tới bị stress, mặc cảm thua kém và nguy cơ tự tử. Không những chỉ ở các lĩnh vực sát sườn như học tập, thi cử, kiếm tiền mà cả trong thể thao.
U18 Việt Nam đã tự hạn chế khả năng đi tiếp sau trận hòa 0-0 với U18 Thái Lan
Với mốc khởi đầu là thế hệ U19 năm 2014 gồm những cái tên nóng sốt như Xuân Trường, Công Phượng, Tuấn Anh… sự kỳ vọng vào bóng đá trẻ của NHM Việt Nam bắt đầu được nhen nhóm. Nó bùng phát thành một biển lửa khi bóng đá nước nhà chứng kiến sự phát triển thăng hoa, tưng bừng của các cầu thủ trẻ.
Từ VCK World Cup U20, đến VCK U23 châu Á huy hoàng, rồi sau đó là ASIAD, và AFF Cup với những hạt nhân là gương mặt cầu thủ trẻ. Thế nên, tại các giải đấu của các lứa U, NHM Việt Nam đều theo dõi sát sao để mong tìm ra những Công Phượng, Duy Mạnh, Tiến Dũng, Quang Hải, Đình Trọng mới.
Nhưng bóng đá cũng giống như gien di truyền. Không phải cứ có nền tảng tốt và cha mẹ tốt là mọi đứa trẻ sinh ra, mọi thế hệ đều bao gồm những nhân tố xuất sắc bằng hoặc hơn thế hệ tạo ra mình. Nếu như thế, con trai của Vua bóng đá Pele, con trai của Thánh Johan Cruyft hay các đội trẻ Brazil sẽ thống trị bóng đá thế giới muôn đời.
Nhưng không vì thế mà NHM được xóa sổ công sức tập luyện của họ
Bởi sự hình thành nên một lứa cầu thủ vàng, một ngôi sao xuất chúng đòi hỏi nhiều yếu tố: thời điểm, mức độ quan tâm đầu tư, giáo trình, HLV, khả năng bẩm sinh, ý chí và không thể thiếu chữ Duyên. Rất nhiều yếu tố lại nằm ngoài ý muốn chủ quan của con người, không phải muốn gì được nấy.
Vậy nên, với nhiều người, lứa Công Phượng, Tuấn Anh là xuất sắc nhưng lứa Quang Hải, Văn Thanh, Đức Huy… lại xuất sắc hơn vì được cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa lẫn cả sự may mắn và danh hiệu. Nhưng lứa U18 Việt Nam hiện nay không được như thế, lập tức bị nhận những lời chỉ trích và dè bỉu.
Những phản ứng tiêu cực nảy sinh khi chúng ta đem so sánh U18, U22 hiện nay với những lớp U được coi là “chuẩn mực” kia và đấy thực sự là một sự lố bịch. Ngay cả các nền bóng đá lớn, có căn bản như Brazil, Argentina, Tây Ban Nha, Đức… cũng không bao giờ đảm bảo chất lượng đồng đều giữa các lứa cầu thủ.
Không phải lứa cầu thủ nào cũng toàn Công Phượng, Quang Hải để ông Tuấn dẫn dắt
Có thể, ở một giai đoạn nào đó, nhân tài xuất hiện ồ ạt, lớp nọ chưa kịp phát triển hết mức đã thấy lớp sau cuồn cuộn kéo tới rồi. Nhưng cũng nhiều khi cả mười mấy lứa trôi đi mới nhặt được vài gương mặt tàm tạm. Như thế mới là điều bình thường trong bóng đá.
Chúng ta có thể thất vọng vì lứa U18 này chơi không hay bằng lớp U18 trước đây, nhưng chúng ta không thể lấy chuẩn của lớp trước để dìm lớp sau và phủi trắng mọi công sức tập luyện, huấn luyện của thày trò HLV Hoàng Anh Tuấn được. Chưa kể đến, giải U18 Đông Nam Á chỉ mang tính cọ xát cho các cầu thủ trẻ, chứ không phải thước đo thành tích của một nền bóng đá.
Hay thì tung hô, dở thì vùi dập, lấy thành công người này so với thất bại của người kia… đấy chính là căn bệnh hám thành tích và sĩ diện hão của người Việt Nam, không chỉ trong bóng đá mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.