Từ fake news, bác sĩ rút ống thở của ba mẹ để cứu... song thai

Từ 12:33 ngày 08-08-2021
Câu chuyện bác sĩ Trần Khoa rút ổng thở từ người mẹ của mình để cứu sản phụ đã làm chấn động và lan toả những điều tuyệt vời trên mạng xã hội. Nhưng rồi nó khiến tất cả phải sụp đổ bởi đó chỉ là fake news (tin tức không có thật).

Hôm qua, một bác sĩ sản phụ khoa trên là Trần Khoa đã chia sẻ một status trên trang facebook của mình. Theo nội dung lan truyền trên mạng xã hội, Khoa đã quyết định nhường đi chiếc máy thở mà ba mẹ mình cho một sản phụ đang cần. Khoa đã kìm nỗi đau mất ba lẫn mẹ, trực tiếp vào phòng mổ phẫu thuật thành công cho sản phụ sinh đôi này. 

Câu chuyện mồ côi cả cha lẫn mẹ của Trần Khoa đã được chia sẻ chóng mặt và lấy đi biết bao nước mắt từ cộng đồng mạng. Bản thân tôi cũng ngấn lệ khi đón nhận nó trong đêm khuya. Đúng, giữa đại dịch có là cỏ cây, sỏi đá đi nữa cũng phải lay động trước một câu chuyện “vĩ đại”, vốn chỉ xuất hiện trong truyện cổ tích.

Câu chuyện của Khoa được xem là thêu dệt khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Chụp từ FBNV

Một người bạn nhắn cho tôi nội dung như thế này: “Hơn 1h sáng, thấy câu chuyện, rồi vào facebook của bác sĩ Trần Khoa đọc từng con chữ mà lòng se lại. Cám ơn đấng sinh thành của Khoa, cám ơn Khoa bởi tấm lòng vĩ đại của cả gia đình!. Trong cơn đại dịch, người ta luôn suy nghĩ, luôn tìm mọi cách giành lấy sự sống cho bản thân, cho gia đình, chứ có mấy ai "nhường" sự sống cho người khác đâu. Xin được cúi đầu cảm tạ gia đình Khoa!”

Tôi và anh bạn này nằm trong số những người tin câu chuyện là có thật mà không may mảy nghi ngờ hay suy luận logic. Thế rồi, bắt đầu nảy sinh những tranh cãi và câu chuyện đã được phơi bày trước ánh sáng. Rốt cuộc, chẳng có bác sĩ nào tên là Trần Khoa. Rút ống thở của ba mẹ để cứu song thai là câu chuyện thêu dệt, bịa đặt một cách trắng trợn.

Hàng trăm người, hàng ngàn người, thậm chí hàng triệu người cảm thấy mình như một “con mồi” bị sập bẫy một cách ngây ngô. Giữa cái lúc lòng người ngổn ngang vì dịch bệnh như thế này những câu chuyện “vĩ đại” của Khoa đúng là thắp lên niềm tin về sự trắc ẩn đồng loại trong mỗi con người chúng ta.

Những bác sĩ, ý tá, những người nơi tuyến đầu chống dịch, thực sự là những "người hùng" thầm lặng. Ảnh: FB

Sự thật, một số đã mượn chuyện của Khoa để thoả mãn dục vọng cá nhân, bằng cách thêm mắm muối trong những câu chữ nhằm nuôi hy vọng tạo ra “cơn bão” yêu thích. Số còn lại, tôi tin họ nhấn nút share trong ý niệm để lan toả những điều tốt đẹp, chứ không phải “tiếp tay” cho kẻ nhẫn tâm, vô đạo đức đã dựng lên câu chuyện.

Tôi thích cái cách cựu tuyển thủ Nguyễn Tuấn Phong để lại bình luận: “Đọc ứa nước mắt với câu “Chờ em khóc chút” trước khi Khoa vào bệnh viện thực hiện ca mổ cho sản phụ”. Tôi cũng thích cho lời cảm thán của cầu thủ Trần Thanh Bình rằng: “Cả gia đình truyền tay chiếc điện thoại đọc mà rớt nước cứ rơi. Cuộc đời này thật đẹp!”.

Tiếc thay, tất cả chỉ là hư cấu, tất cả chỉ là sự lừa dối…

Giữa mùa dịch, rất nhiều “ake news xuất hiện, giờ lại thêm câu chuyện“giả tưởng của Khoa, nhắc chúng ta cần phải kiểm chứng “thật, giả” từ nhiều chiều và nó nhắc chúng ta phải cân nhắc trước khi bấm nút like, share… Đấy là cách để tôn trọng bản thân, để thông tin không bị nhiễu loạn và để không “cướp” đi niềm tin của những đặt trái tim luôn tin vào hạnh ngộ.

Nhà báo Trần Hải vẫn hàng ngày thầm lặng vận chuyển lương thực cho người dân các khu phong toả, bị cách ly

Cá nhân tôi (và có lẽ nhiều người khác) vẫn tin những câu chuyện cổ tích là cái thật, vẫn tin vào những câu chuyện vĩ đại giữa mùa dịch. Đó là câu chuyện về những người đã hy sinh lợi ích cá nhân, gia đình để phụng sự cộng đồng, xã hội. Họ là các cán bộ y tế, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng, tình nguyện viên, các cán bộ an ninh, bộ đội… ở tuyến đầu đang ngày đêm phải chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Và tôi tin vào những điều tử tế. Ví như Trọng Hoàng đấu giá tấm HCV "đời người" để mua máy thở cho các bệnh nhân Covid. Tương tự, để chia sẻ một phần khó khăn với những đồng hương của mình, Đông Triều đã mang ra đấu giá tấm HCB quý giá giành được tại SEA Games 2012. Anh Đắc Văn, người đại diện của Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Dũng... thời gian qua liên tục di chuyển, liên tục kêu gọi để mua thuốc men, đồ bảo hộ, máy thở cho tuyến đầu...

Ví như các đồng nghiệp phóng viên, nhà báo thể thao của chúng tôi: Trần Hải (Thể thao và Văn Hoá), Đình Thảo (Lao Động) hay nhiều người khác, vẫn hàng ngày xông pha đóng vai “người vận chuyển” lương thực, thực phẩm đến những khu cách ly, phong toả. Mấy ai biết, họ cũng đứng trước những “nguy cơ”. Mấy ai biết sau những hiểm nguy, mệt nhọc, họ vẫn cười như mùa thua toả nắng, ngồi bên máy tính để viết bài, để lao động vì miếng cơm manh áo của bản thân, gia đình trong đại dịch.

Vâng, sự vĩ đại đôi khi đến từ những điều giản dị, chứ không phải những câu chuyện cao siêu, được thần thánh hoá.

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

x