Park Ji-Sung: "Sir Alex dạy tôi hãy phớt lờ thế giới như Cristiano Ronaldo"

Thông qua một đầu mối ở LĐBĐ Hàn Quốc, phóng viên tạp chí Bóng Đá đã có 45 phút trò chuyện quý báu với huyền thoại Park Ji-sung của CLB Man United và ĐT Hàn Quốc. Park Ji-sung đã nêu quan điểm về một số điểm yếu và thách thức dành cho cầu thủ châu Á sang châu Âu lập nghiệp.
Thanh Thuỷ - Trí Công
Từ Al Khor, Qatar
Phóng viên: Có rất nhiều quan điểm trái chiều về việc trao quyền đăng cai World Cup 2022 cho Qatar. Anh thuộc phe nào, ủng hộ hay phản đối?

Park Ji-sung: Tôi sẽ không trả lời trực diện vào trọng tâm câu hỏi, vì nếu thế, tôi sẽ gặp rắc rối (Cười). Nhưng tôi luôn muốn nhìn thấy điểm tích cực cuộc sống, ngay cả khi toàn là những thứ xấu xí.

Với World Cup 2022, tôi cho rằng nước chủ nhà Qatar đã làm được một việc quan trọng, mang tính bản lề với bóng đá châu Á. Thậm chí, sự kiện này là bước ngoặt với vị thế và sự phát triển của châu lục này. 20 năm trước, Nhật Bản và Hàn Quốc hợp sức tổ chức World Cup thì 20 năm sau, một mình Qatar - đất nước nhỏ bé bao quanh bởi sa mạc - đã tự đứng ra làm từ đầu tới cuối.

Tại sao anh lại nói, World Cup 2022 là bước ngoặt với bóng đá châu Á?

Khái niệm tôi đề cập không mang nghĩa chuyên môn. Tôi nhấn mạnh tới “tầm vóc” của bóng đá châu Á. Tôi đã chơi bóng ở châu Âu khoảng 12 năm và tiếp tục sinh sống, làm việc tại Anh nên tôi hiểu rõ, bóng đá thế giới nghĩ gì về cầu thủ, HLV và nền bóng đá châu Á.

Tôi sẽ đi thẳng vào chi tiết: Mắt nhìn của châu Âu và Nam Mỹ đánh giá thấp châu Á khi nhắc tới bóng đá, và tiêu chuẩn đánh giá của họ bao trùm nhiều khía cạnh! Đấy là một thứ sự thật mất lòng, và nó cần được thay đổi.

Có một chuyện thế này tôi không bao giờ quên trong đời cầu thủ. Hè 2005, tôi gia nhập Man United. Ngày tôi tới Manchester cũng là ngày cả đội trở lại sau kỳ nghỉ hè. Thông lệ của CLB là dẫn “ma mới” đi một vòng trung tâm huấn luyện, một vòng SVĐ và chào hỏi đồng đội.

Ấn tượng của tôi về HLV trưởng, các đồng nghiệp đều tốt, ngoại trừ tay tiền đạo Alan Smith. Vừa thấy tôi, Smith liền ngoạc mồm hét lên “A, một gã châu Á”. Bấy giờ, tôi đúng là một “con ma mới” nên đành im lặng rời đi.

Cuối năm ấy, trong lễ Giáng sinh đầu tiên với M.U, Smith lại sinh sự. Vài người chúng tôi đang quay quần uống champagne và ăn bánh ngọt thì đột nhiên Smith bèn quay ra hỏi Mikel Silvestre: “Ở Hàn Quốc có nhiều gã Park như gã Park này đúng không?”, vừa nói, y vừa chỉ tay vào tôi.

Lúc này, tôi không thể ngồi im. Tôi bỏ cốc, và nói thẳng vào mặt Smith: “Đừng gọi tôi là gã châu Á. Cũng đừng gọi tôi là Park này Park kia. Nếu nhắc tới tôi, vui lòng gọi tên đầy đủ, và nói tôi là cầu thủ bóng đá của Man United và ĐT Hàn Quốc”. Smith có vẻ “đứng hình” nhưng tôi biết mình đã làm đúng. Để có chỗ đứng tại sân cỏ châu Âu, các cầu thủ châu Á phải biết thể hiện cái Tôi đúng lúc.

Thời điểm đó, anh là “ma mới” trong khi Smith là cầu thủ người Anh. Phản ứng mạnh vậy, anh không lo ngại mình sẽ khó sống ở Man United, hay nghiêm trọng hơn là bị cô lập?

Có chứ, nhưng tôi phải làm điều đó. Sau này, Smith đã trực tiếp tới xin lỗi, giải thích y chỉ quen miệng đùa chứ không có ý miệt thị hay phân biệt. Nhưng hành động của Smith, cứ cho là vô ý đi, đã cho thấy chỉ dấu của một hệ tư tưởng đầy định kiến mà bóng đá châu Âu đã mặc định gán cho châu Á.

May mắn của tôi là gặp được Sir Alex. Ông ấy nóng tính, nhưng thẳng thắn và rất đàn ông, luôn hành xử đúng chất quý ông. Khi đàm phán hợp đồng, Sir Alex nói với tôi thế này: “Hợp đồng này bắt nguồn từ yếu tố thương mại, nhưng cũng có nhiều phần chuyên môn.

Nếu cậu thể hiện tốt, tôi sẽ trao băng đội trưởng cho cậu ở một thời điểm nhất định. Nhưng muốn thành công tại Anh, cậu không những phải có năng lực, mà còn phải biết cách phô bày năng lực đó để tất cả đều không có lý do gì phản đối sự hiện diện của một người Hàn Quốc nhỏ bé tại sân khấu của họ.

Tất nhiên, làm gì cũng phải suy nghĩ nhưng có hai thứ tôi muốn cậu tập làm quen. Một, dám nêu ý kiến cá nhân công khai ở đám đông. Hai, phải biết tự ái để thấy xấu hổ, thấy cay cú khi bị coi thường.

Sự khao khát của mỗi cầu thủ được định tính bằng cảm giác thua kém người khác và ham muốn vươn lên. Chỉ cần ghi tâm khắc cốt rằng, hãy sử dụng quyền được tự ái đúng lúc đúng chỗ”.

Đấy là bài học đầu tiên Sir Alex dạy tôi, và nó đi theo tôi suốt cuộc đời.

Trong lần trả lời phóng vấn tờ Yonhap năm 2016, anh đã tiết lộ việc Sir Alex không chỉ dạy anh thành cầu thủ mà còn dạy anh thành một người thành công. Những bài học tiếp theo anh lĩnh hội từ Sir Alex là gì?

Chúng ta thường biết tới Sir Alex ở góc độ công việc nhưng tầm nhìn của ông ấy xa hơn sân bóng và những giá trị thể thao thuần tuý. Tôi nhớ mãi bài báo của Telegraph, đưa chuyện về khả năng tiếng Anh kém cỏi của tôi. Họ nói rằng Park Ji-Sung chỉ hiểu đúng hai từ tiếng Anh là right (phải) và left (trái).

Patrice Evra, người bạn thân đưa của tôi đã cho tôi xem bài viết đó. Phản ứng đầu tiên của tôi là nổi khùng. Tôi tìm gặp người phụ trách truyền thông của đội, sau đó kiến nghị lên BLĐ đội bóng. Và Sir Alex đã gọi tôi lên văn phòng riêng của ông.

Chẳng có chút vỗ về nào từ Sir Alex. Ông ấy hỏi tôi hai câu. Một, “Bài báo này có ảnh hưởng tới cuộc sống của cậu?”. Hai, “Tôi chọn cậu dựa vào năng lực, con người cậu hay vì khả năng ngôn ngữ của cậu?”. Sau đó, ông ấy trừng mắt, và bảo rằng, nếu tôi còn để những thông tin kiểu này ảnh hưởng tới bản thân thì tôi mãi mãi không bao giờ vươn lên thành cầu thủ hàng đầu.

“Đừng bao giờ tìm tới tôi vì những chuyện vớ vẩn này nữa. Vứt nó ra khỏi đầu. Cậu chọn làm cầu thủ của Man United nghĩa là cậu chấp nhận trở nên nổi tiếng. Là người nổi tiếng, thì phải quen dần với những thứ như thế này”, Sir Alex hét lên và đuổi tôi khỏi phòng.

Càng lớn tuổi, tôi càng thấm thía lời khuyên ấy. Mọi người có quyền tự do ngôn luận và nếu những phát ngôn nhắm vào bản thân - dù là thông tin sai lệch đi nữa - chỉ cần nó không quá ảnh hưởng tới pháp lý và cuộc sống, hãy bỏ qua nó.

Tại Queens Park Rangers, CLB cuối cùng tại Anh tôi khoác áo còn có luật lệ lạ lùng, nhằm mục đích rèn luyện sức chịu đựng của cầu thủ. Tới giờ ăn trưa, cầu thủ phải cất điện thoại trong 30 phút, và cùng bật TV xem kênh Sky Sports, để biết các chuyên gia truyền hình, cựu danh thủ và khán giả đang nói gì về mình. Vừa là tiếp thu, nhưng cũng vừa là học cách đối diện áp lực.

Năm 2015, một trường đại học ở Birmingham gửi thư mời tôi tham dự khoá học ngành luật thương mại với học bổng toàn phần. Tôi nhắn tin cho Sir Alex, và ông ấy bảo: “Cậu hãy nhận đề nghị ấy. Các trường đại học trên thế giới luôn trao phần thưởng danh dự cho những VĐV thể thao có nhiều đóng góp. Đừng ngại, vì cậu xứng đáng”.

Anh có biết vì sao Sir Alex luôn yêu mến Cristiano Ronaldo không? Đấy là vì anh ấy không bao giờ bận tâm tới lời nói của những người ngoài cuộc.

Theo anh, ngoài vấn đề tự ti, ít dám bộc lộ quan điểm, đâu là những điểm yếu cố hữu khác của cầu thủ châu Á khi bước ra sân chơi lớn hơn?

Đây là kinh nghiệm quan sát của cá nhân tôi, không có ý phổ quát đánh đồng mọi thứ. Nhưng có vẻ, cầu thủ châu Á ngày nay “sống ảo” quá. Họ nói nhiều, hoạt động tích cực trên mạng, đi đâu cũng chụp ảnh nhưng hành động ngoài thực tế lại đối nghịch.

Chắc không nhiều người biết rằng, Lee Young Pyo - một người bạn thân của tôi (từng khoác áo Tottenham - từng hứng chịu làn sóng tẩy chay ở Hàn Quốc. Lý do vô cùng lãng xẹt.

Trong một lần trả lời phỏng vấn ở Hàn Quốc, Lee Young Pyo nói rằng anh ấy không quan tâm tới vấn đề vật chất khi sang Anh chơi bóng. Vài hôm sau, các tờ báo Anh chụp ảnh Lee Young Pyo lái chiếc Audi tới sân tập của Tottenham. Mỗi vậy thôi mà rùm beng, và người ta quy kết Lee Young Pyo là kẻ đạo đức giả.

Bài học rút ra ở đây, theo tôi, khá đơn giản. Có sao, nói vậy, dùng vậy. Bạn có điều kiện ở biệt thự, đi xe đẹp, thì cứ thoải mái sử dụng, chứ đừng nói với truyền thông về những giấc mơ cao cả, mang tính lý luận nhiều quá, rồi một ngày sẽ bị đánh giá là sáo rỗng.

Hơn nữa, cầu thủ châu Á kém hẳn cầu thủ châu Âu ở “ý thức về hình ảnh”. Cristiano Ronaldo đã nói với tôi mạng xã hội của anh ấy chỉ dùng vào ba việc: Trả quyền lợi nhãn hàng, ghi lại kỷ niệm sự nghiệp và chia sẻ khoảnh khắc bên gia đình. Cầu thủ châu Âu đâu cần khoe họ đi đâu, làm gì quá chi tiết, mà việc đó là của báo chí, phóng viên săn ảnh.

Ý thức của họ về vị thế xã hội rất rõ ràng: Họ không cần khoe nhiều, vì giới paparazzi đã làm hộ. Hiểu đúng mình là ai rất quan trọng, vì ý niệm ấy sẽ giúp cầu thủ đưa ra các quyết định đúng đắn.

Vậy thông điệp anh muốn nhắn nhủ tới cầu thủ châu Á là gì?

Ngắn gọn thôi. Thứ nhất, cầu thủ châu Á phải nâng cao thể chất, tầm vóc và kỹ năng nghề nghiệp. Thứ hai, cầu thủ châu Á cần cởi mở, mạnh dạn, muốn lắng nghe nhưng phải dám phản biện.

Thứ ba, lời nói và hành động phải nhất quán, và không nhiết thiết phải e ngại về quan điểm tiền bạc hay chủ nghĩa tiêu dùng. Bóng đá đỉnh cao vận hành theo nguyên tắc của châu Âu ,và ở châu Âu, người ta không quan tâm bạn mặc gì, ăn gì, đi gì. Thứ họ quan tâm là quan hệ cho đi - nhận lại tương xứng trong công việc.

Thực hiện

Nội dung: Thanh Thuỷ - Trí Công

Đồ họa & Thiết kế: Trần Linh

Một sản phẩm của Bongdaplus.vn

Sử dụng tiếng Việt có dấu. Ký tự còn lại 500.

* Đăng nhập hoặc Đăng ký tài khoản để
bình luận và chia sẻ nhanh hơn

Thông tin Toà soạn

Tạp chí Điện tử Bóng Đá

Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn

Địa chỉ liên hệ

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội

Tel: (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax: (84.24) 3553 9898
Email: [email protected] | [email protected]
 

Liên hệ Quảng cáo

Hotline: 0903 203 412
Email: [email protected]

x